
Tác giả: bk9sw
Nguồn: Tinhte.vn
Dell XPS 17 9710 so với XPS 17 9700 năm ngoái có gì khác biệt? Mời anh em xem qua dưới đây, về thiết kế không có nhiều điểm thay đổi nhưng về cấu hình thì là một sự cải tiến lớn.
XPS 17 9710 là thế hệ tiếp theo của dòng XPS 17 9700 vốn đã gây tiếng vang lớn cho Dell khi ra mắt năm ngoái. Lần đầu tiên dòng XPS có phiên bản 17″ , đáp ứng nhu cầu làm việc đa dạng và chuyên nghiệp hơn, nhất là đối tượng người dùng làm nội dung. Thiết kế của XPS 17 dù chỉ đơn giản là phiên bản phóng to của XPS 15 nhưng so với các thế hệ trước năm 2020 thì dòng XPS nói chung đã được Dell nâng cấp, hoàn thiện bắt mắt hơn và đặc biệt là màn hình giờ đây đã mỏng cả 4 viền, sử dụng tỉ lệ màn hình mới 16:10, bàn phím mới và bàn rê rất lớn.
XPS 17 9710 tiếp tục sử dụng thiết kế của 9700 và có lẽ, thế hệ năm sau hay vài thế hệ nữa thì Dell vẫn dùng lại 1 thiết kế theo triết lý “cái gì tốt rồi thì không nên thay đổi.” Chất liệu chế tạo của XPS 17 9710 vẫn là nhôm cắt CNC và hoàn thiện anodize đặc trưng cho cảm giác tiếp xúc cao cấp và bề bỉ.

Về kích thước thì XPs 17 9710 có các số đo 374,4 mm x 248 mm x 19 mm còn XPS 17 9700 là 375 mm x 248 mm x 20 mm. Như vậy máy chỉ mỏng hơn 1 mm so với thế hệ trước. So giữa XPS 17 9710 và 9700 phiên bản FHD+ không cảm ứng thì trọng lượng sẽ là 2,21 và 2,11 kg, thế hệ trước nhẹ hơn thế hệ sau. Phiên bản màn hình UHD+ cảm ứng có thêm lớp gương sẽ nặng hơn, XPS 17 9710 là 2,42 kg và XPS 17 9700 là 2,51 kg, thế hệ trước nặng hơn thế hệ sau. Chiếc XPS 17 9710 mình trên tay trong bài này là bản UHD+ cảm ứng và so với chiếc
Mặt đáy của XPS 17 9710 cũng là một tấm nhôm liền, có thể dễ dàng tháo ra để nâng cấp phần cứng. XPS 17 9700/9710 và dòng máy trạm di động mỏng nhẹ Precision 5750/5760 dùng cùng khung vỏ, khả năng nâng cấp phần cứng được Dell giữ lại trên cả 2 dòng máy này và chúng ta sẽ có thể thay thế RAM với 2 khe SO-DIMM tiêu chuẩn và gắn thêm ổ SSD với 2 khe M.2 2280 đều hỗ trợ PCIe NVMe SSD.
Một hàng các khe nhỏ được cắt rất chính xác và đẹp mắt, nó lấy gió cho hệ thống tản nhiệt 2 quạt với buồng hơi trên XPs 17. Nếu anh em được cầm máy trên tay và soi kỹ các khe lấy gió, khe tản nhiệt của hệ thống quạt trên XPS 17 thì sẽ thấy chất lượng chế tạo rất cao, xứng với một chiếc máy cao cấp.
Đây là loa hướng xuống của XPS 17, chiếc máy có thêm 2 dải loa đặt 2 bên bàn phím. Âm thanh trên dòng XPS 17 rất đã với âm lượng đầu ra lớn, khá ấm, chi tiết tốt.
Hệ thống các cổng kết nối trên XPS 17 9710 và 9700 không có thay đổi nhưng các cổng này cũng chỉ ra 1 điểm khiến chúng ta có thể phân biệt được đâu là XPS 17 9710 đời 2021 và 9700 đời 2020 đó chính là: phần vát chéo ở viền cổng. Như hình trên, XPS 17 9710 đặt trên và 9700 đặt dưới, mình từng rất ấn tượng với sự tỉ mỉ về thiết kế trên XPS 17 9700 mà cụ thể là viền cắt kim cương quanh các cổng USB-C nhưng trên 9710 thế hệ mới thì nó không còn cắt mạnh và rõ ràng như trước.
Chiếc máy có 4 cổng USB-C đều hỗ trợ Thunderbolt nhưng trên thế hệ XPS 17 9710 thì nó được nâng cấp lên Thunderbolt 4, về cơ bản không đổi về băng thông so với Thunderbolt 3 tức vẫn 40 Gbps nhưng khi nói về trình xuất màn hình thì Thunderbolt 4 sẽ hợ trình xuất 2 màn hình 4K hay 1 màn hình 8K trong khi Thunderbolt 3 là 1 màn hình 4K. Ngoài ra máy vẫn có jack âm thành 3,5 mm và khe đọc thẻ SD.

Qua cổng USB-C hỗ trợ Thunderbolt 4 này thì anh em có thể dùng với các loại dock mở rộng cổng kết nối, eGPU và tất cả các cổng này đều hỗ trợ sạc PowerDelivery. Cục sạc theo máy vẫn là sạc bánh ú 130 W, đầu sạc có đèn và dây quấn quanh cục sạc rất gọn gàng và đẹp mắt.
Nội thất của XPS 17 9710 và 9700 không khác biệt vì Dell tiếp tục sử dụng thiết kế màn hình 17″ tỉ lệ 16:10, công nghệ màn hình InfinityEdge với phần viền mỏng 4 cạnh, khoảng 4 mm. Hiện tại XPS 17 vẫn là dòng máy có tỉ lệ màn hình – thân máy lớn nhất trong phân khúc 17″ và cũng là chiếc máy theo cá nhân mình đánh giá có thiết kế màn hình sexy nhất.
Chiếc XPS 17 9710 mình trên tay dùng màn hình UHD+ cảm ứng, phân giải 3840 x 2400 px, độ sáng tối đa 500 nit, hỗ trợ HDR400 và dùng tấm nền IPS của Sharp. Đây là tấm nền IPS có chất lượng cực kỳ tốt trên thị trường hiện tại và hầu như chỉ có mỗi dòng Dell XPS 17 và Precision 17 khai thác tấm nền này. Độ bao phủ các dải màu của nó rất lớn với gần 100% dải AdobeRGB, 100% sRGB và hơn 90% dải DCI-P3. Màn hình được cân chỉnh sẵn với profile màu riêng. Bên cạnh tùy chọn UHD+ này thì anh em có thể chọn phiên bản FHD+ 1920 x 1200 px, bề mặt phủ matte chống chói và trọng lượng cũng sẽ nhẹ hơn vì không có lớp gương dành cho tính năng cảm ứng.
Bàn phím của XPS 17 9710 và 9700 y hệt nhau, layout rất gọn gàng với keycap được làm lớn theo kiểu “có mù cũng thấy”. Tuy nhiên, anh em sẽ cần làm quen một chút với layout thoáng của XPS 17 9710 nếu chuyển từ những mẫu máy cỡ nhỏ hơn. Layout này tập trung vào chính giữa, sẽ không lệch trái hay phải nên nếu anh em đã gõ bàn phím có phím số hay laptop có phím số thiên lệch trái thì chuyển sang XPS 17 sẽ dễ bấm nhầm.
Cảm giác nhấn trên bàn phím của XPS 17 9710 rất thích tay và khá êm. Hành trình phím tiêu chuẩn, độ nẩy rất rõ ràng và mình chỉ mất vài phút làm quen với layout là có thể gõ nhanh được ngay.
Nút nguồn được tích hợp trong phần phím chính và nó kiêm luôn cảm biến vân tay một chạm, rất gọn gàng và đẹp mắt.
2 bên bàn phím là 2 loa hướng lên, cân đối và cũng là vị trí tối ưu nhất để âm thanh phát ra với chất lượng và độ lớn được giữ nguyên.
Bàn rê khổng lồ trên XPS 17 9710 tương tự 9700 với kích thước lên đến 15 x 9 cm – thử hình dung bàn rê trên laptop thông thường có cỡ tầm 10 x 7 cm. Với kích thước bàn rê này thì chúng ta có rất nhiều không gian để thao tác với chuột cũng như thực hiện các thao tác đa điểm. Bề mặt bàn rê được phủ kính, 2 phím chuột tích hợp nhấn rất êm và không cần nhiều lực.
Dòng Dell XPS 17 9710 đã được nâng cấp về cấu hình. Phiên bản mình trên tay có cấu hình gần như tối đa với:
- CPU: Intel Core i7-11800H (Tiger Lake-H45) 8 nhân 16 luồng, tối đa 4,6 GHz, 24 MB cache, TDP 45 W;
- GPU: NVIDIA GeForce RTX 3060 (GA106 Ampere) 3840 nhân CUDA, 30 nhân Ray Tracing, 120 nhân Tensor, tối đa 1425 MHz, 6 GB GDDR6, TGP 70 W;
- RAM: 16 GB DDR4-3200 MHz SO-DIMM, nâng cấp tối đa 128 GB;
- SSD: 1 TB M.2 PCIe 4.0 x4 NVMe SSD, 2 khe M.2 2280 PCIe;
- OS: Windows 10 Pro
- Pin: 97 Whr 6-cell.
Cấu hình này trên trang của Dell US có giá tầm 2800 USD (~64,4 triệu đồng). Tùy chọn CPU của XPS 17 9710 còn có:
- Intel Core i5-11400H (Tiger Lake-H45) 6 nhân 12 luồng, tối đa 4,5 GHz, 12 MB cache, TDP 45 W;
- Intel Core i9-11900H (Tiger Lake-H45) 8 nhân 16 luồng, tối đa 4,9 GHz, 24 MB cache, TDP 45 W.
GPU có thêm tùy chọn RTX 3050 (GA107 Ampere), 2048 nhân CUDA, 16 nhân RT và 64 nhân Tensor, chạy ở xung tối đa 1455 MHz với TGP 50 W. RAM có thể là 8 GB DDR4-3200 (4 GB x 2) hoặc 32 GB (16 GB x 2).
Tùy chọn SSD gồm 512 GB/1 TB/2 TB và 4 TB M.2 PCIe SSD. Như vậy nếu anh em chọn cấu hình thấp nhất với Core i5-11400H, GPU tích hợp Intel UHD Graphics, 8 GB RAM, 512 GB SSD, màn hình FHD+ thì nó có giá tầm 1550 USD (~35,6 triệu đồng) và ngược lại nếu chơi max option với Core i9-11900H, RTX 3060, 32 GB RAM, 4 TB SSD, màn hình UHD+ thì giá lên đến 3750 USD (~86,2 triệu đồng).
Dòng Tiger Lake của Intel dùng kiến trúc mới với các nhân Willow Cove, tiến trình 10 nmSuperFIN sẽ cho hiệu năng cao hơn và tiết kiệm điện năng hơn so với thế hệ Comet Lake-H. Riêng về GPU thì RTX 3060 phiên bản Mobile đã đủ mạnh để anh em có thể trải nghiệm các tựa game AAA ở độ phân giải FHD hay làm việc đồ họa ở độ phân giải 4K. Dòng Ampera cũng dùng tiến trình nhỏ hơn so với Turing, chưa kể là Dell chọn khóa TGP của RTX 3060 ở 70 W thành ra xung nhịp của GPU khi đầy tải sẽ thấp hơn, tiết kiệm điện năng hơn, phù hợp để làm việc đồ họa hơn chơi game bởi tỉ lệ khung hình sẽ tỉ lệ thuận với xung nhịp GPU.