
Tác giả: MinhTriND
Nguồn: Tinhte.vn
ASUS ROG Phone 5 không cho mình quá nhiều sự khác biệt so với những gì mà mình đã từng trải nghiệm trên ROG Phone 3 năm ngoái. Nhìn chung, nó vẫn là 1 chiếc máy quá tốt để chơi game, xem phim, nghe nhạc và mọi nhu cầu của chúng ta đối với 1 chiếc smartphone đều được đáp ứng tốt nhất (ngoại trừ chụp ảnh). Sau khoảng thời gian cũng tương đối lâu mình có dịp sử dụng chiếc máy này như 1 thiết bị chính của mình thì dưới đây sẽ là những điểm mà mình cảm thấy thích và chưa thích ở ROG Phone 5.
Những điểm thích
Thiết kế vẫn mạnh mẽ, hiện đại và khác biệt
ROG Phone 5 mà mình được dùng hơi tiếc không phải là bản Pro hay Ultimate, thế nên sẽ không có màn hình OLED nhỏ ở mặt lưng mà vẫn sẽ là đèn LED RGB. Có lẽ sẽ không cần nói thêm quá nhiều điều về thiết kế của máy. ROG Phone 5 với một chút thay đổi tiếp tục là chiếc máy mang thiết kế khác biệt, mạnh mẽ, đặc biệt là mặt sau với họa tiết bắt mắt, cụm camera cắt xẻ táo bạo.

Đèn LED ở mặt sau với khả năng tùy chỉnh màu sắc cũng như hiệu ứng là 1 điểm nhấn ở mặt lưng. Mặt lưng bằng kính, dễ bám vân tay và cũng dễ vỡ nếu làm rơi. Nhưng vấn đề này không quá quan trọng bởi ASUS tặng kèm 1 cái ốp rất sexy đi kèm, và khi gắn vào thì nó cũng không làm giảm đi vẻ đẹp của cái máy. À, việc có cổng USB-C ở cạnh trái của máy để thuận tiện cho việc vừa sạc vừa chơi game cũng là yếu tố mà minh rất thích.
Khả năng hiển thị gần như hoàn hảo
ROG Phone 5 có màn hình AMOLED được sản xuất bởi Samsung, kích thước 6,78″ (6,59” ở đời trước), tỷ lệ 20,4:9 (độ phân giải 2448 x 1080). Chúng ta có tốc độ làm tươi 144Hz, tốc độ phản hồi 1ms, tốc độ lấy mẫu cảm ứng 300Hz (270 Hz ở đời trước) và độ trễ cảm ứng là 24.3ms, đây là smartphone có độ trễ cảm ứng thấp nhất thế giới hiện tại. Đi cùng với đó là một loạt những thông số chất lượng hiển thị cao cấp khác như HDR10+, 111% DCI-P3, 150% sRGB.
Đó thật sự là những con số biết nói. Màn hình lớn, tốc độ làm mới cao, khả năng hiển thị sắc nét, độ tương phản tốt và thật sự không có điểm nào để mình có thể chê đối với trải nghiệm về mặt hiển thị đối với ROG Phone 5. Tần số quét cao giúp cho thao tác lướt thật sự mượt mà và đây cũng là điều tạo thêm lợi thế cho mình trong quá trình chơi game. Cảm biến vân tay bên trong màn hình hoạt động mượt mà và rất nhạy cũng là điểm không thể không nhắc tới.
Hệ thống âm thanh xuất sắc
ROG Phone 5 được trang bị hệ thống loa kép ở mặt trước và cũng như ROG Phone 3 trước đây, hệ thống loa này thật sự có chất lượng rất tốt và có thể nói là tốt nhất đối với những chiếc smartphone khác mà mình từng trải nghiệm qua.
ASUS năm nay tiếp tục hợp tác với Dirac để hiệu chỉnh hệ thống âm thanh trên ROG Phone 5. Nhờ vậy, loa của ROG Phone 5 tuy rất lớn nhưng lại ít bị méo tiếng, âm trầm rõ ràng và mọi thứ đều trong trẻo. ASUS thậm chí còn khai thác công nghệ MIMO của Dirac – trước đây chỉ dành cho xe hơi hạng sang – để tối ưu hóa cả 2 loa thành một hệ thống duy nhất nhằm mang lại trải nghiệm âm thanh tổng thể tốt hơn.
Nhờ hệ thống loa đủ tốt, mình rất thích xem phim trên điện thoại mỗi tối. Màn hình chất lượng tốt kết hợp với âm thanh từ ROG Phone 5 đủ thỏa mãn mình.
AirTrigger và hệ sinh thái phụ kiện
Tiêp nối những thế hệ ROG Phone trước, ROG Phone 5 vẫn được trang bị các cảm biến siêu âm ở cạnh hông để mô phỏng các phím trên màn hình cảm ứng. Giờ đây, mỗi một cụm trái và phải sẽ bao gồm tới 9 cảm biến thay vì 7 để gia tăng độ nhạy cũng như độ chính xác. Ngoài ra, cảm biến cũng tràn ra cạnh nhiều hơn để những người có bàn tay nhỏ dễ thao tác hơn. Không chỉ nhận diện thao tác bấm mà AirTrigger còn nhận diện được thao tác vuốt hoặc trượt theo các hướng khác nhau.
Mình chơi PUBG Mobile và cũng có tận dụng tính năng này để phục vụ cho nút bắn và nhắm, giúp cho thời gian thao tác nhanh hơn và từ đó cũng tạo lợi thế cho mình trong các pha combat. Năm nay, hệ sinh thái phụ kiện đi kèm chỉ còn quạt AeroActive Cooler 5 và tay cầm để biến nó thành 1 chiếc máy chơi game cầm tay như kiểu Nintendo Switch. Kết nối thông qua 1 cổng giao tiếp bên hông, chiếc quạt này sở hữu các tấm than chì bên trong để giúp cho CPU mát hơn ít nhất 10 độ, đồng thời giảm nhiệt độ thân máy 15 độ nếu so với khi không có quạt.
Thực tế trải nghiệm cho thấy việc gắn quạt vào không tạo nhiều khác biệt về mặt hiệu năng, nhiệt độ thân máy được duy trì mát mẻ nhưng chỉ ở khu vực có quạt, máy vẫn nóng ở các khu vực khác và khung viền kim loại. Điểm mình đánh giá cao đối với quạt là nó có 2 nút bấm ở phía sau, cộng thêm đèn LED RGB và cả 1 chân đế để dựng máy, không hẳn là vô dụng.
À à, cũng phải nói thêm là nếu anh em mua bản thường như cái mà mình có trong bài viết này thì sẽ không được tặng kèm quạt tản nhiệt đâu.
Giao diện và độ phản hồi xúc giác thân thiện
ROG Phone 5 chạy trên Android 11 với giao diện ROG UI. Những cái gây ấn tượng với mình là bộ theme cũng như hình nền động đi kèm khá ấn tượng và cá tính. Armory Crate – khu vực giúp quản lý các thiết lập với từng tựa game năm nay được nâng cấp, cho phép bạn tạo hồ sơ riêng cho mỗi game, với các thiết lập về màn hình, CPU hay kết nối mạng. GameGenie cũng là tính năng không thể bỏ qua khi bạn có thể nhanh chóng nắm bắt và tinh chỉnh các thiết lập khác nhau khi chơi game.
Có 1 thứ làm mình khá thích mà chắc ít ai để ý đó là độ rung của thiết bị. Cứ mỗi lần mình vuốt ở cạnh màn hình để back, hoặc bấm bàn phím, thiết bị lại rung để phản hồi, nó tương tự như phần lớn các smartphone khác từ trước tới giờ. Nhưng kiểu rung trên ROG Phone 5 này cũng như đời trước nó rất khác, cảm giác rung rất chắc chắn, dứt khoát, đủ nhẹ nhàng để cảm nhận và lúc rung thì không hề nghe thấy các thành phần khác của máy bị rung theo rồi tạo ra âm thanh khó chịu như 1 số thiết bị. Đây là một trong những yếu tố giúp quá trình dùng máy trở nên thích hơn khá nhiều.
Hiệu năng đáp ứng mọi nhu cầu
Snapdragon 888 tám nhân trên tiến trình 5nm, 16GB RAM (phiên bản mình đang dùng) và 256GB bộ nhớ trong, RAM là LPDDR5 16GB và bộ nhớ trong là UFS 3.1. Với cấu hình gần như là mạnh nhất trong thế giới smartphone Android hiện tại, ngoại trừ các phiên bản cao cấp hơn của dòng ROG này, không cần phải bàn về độ ổn định và sự mượt mà trong quá trình sử dụng máy. Tất cả những tác vụ nặng nhất đều được đáp ứng một cách nhanh chóng. Suốt thời gian mình sử dụng, chỉ có đúng 1 lần máy bị đơ không rõ nguyên nhân và phải tắt máy mở lại. Android là thế, không quá lạ nhưng 1 lần trong 3 tháng sử dụng là tỷ lệ hoàn toàn chấp nhận được.
Những điểm chưa thích
Phần cứng camera cũ
ASUS thừa nhận camera không phải là thứ mà họ tập trung trên 1 chiếc gaming phone như ROG Phone 5, và vì thế, không có bất cứ thay đổi nào về trang bị phần cứng liên quan đến camera. Cảm biến chính là Sony IMX686 64MP f/1.8, cảm biến thứ hai là ultrawide 13MP f/2.4 và camera macro thứ 3 5MP f/2.0. Camera trước cũng có độ phân giải là 24MP f/2.45. Và bởi vì không có nâng cấp, thế nên mình đã không bất ngờ với chất lượng hình ảnh chỉ ở mức chấp nhận được của của ROG Phone 5. Bên dưới là một số những hình ảnh mà mình đã chụp bởi camera của máy, trong các điều kiện khác nhau, các bạn có thể tham khảo thử.
Kích thước cồng kềnh

Với trọng lượng 239g, chiều dài rộng cao là 173.00 x 77.00 x 9.90 mm, ROG Phone 5 tiếp tục là một trong những cái máy có kích thước cũng như trọng lượng thuộc hàng top hiện tại. Mình gắn thêm cái ốp, kích thước chắc cũng tăng lên ít %, và sự cồng kềnh của nó thật sự là vấn đề. Bỏ vào túi quần rất cộm, móc ra nhét vào cũng khó khăn. Cầm điện thoại bằng 1 tay để dùng khá khó chịu. Ngoài ra, việc thiếu đi khả năng chống nước cũng làm cho mình không được an tâm hoàn toàn khi sử dụng máy trong các điều kiện khác nhau.
Pin lớn nhưng lại tỏ ra hơi đuối
ROG Phone 5 được trang bị pin 6.000 mAh. Thực tế thử nghiệm cho thấy pin của máy có thể on screen trung bình hơn 5 tiếng rưỡi với các nhu cầu sử dụng khác nhau, từ một nhân viên văn phòng bình thường cho tới một người chuyên dùng smartphone để chơi game hay chụp ảnh. Nếu sử dụng máy để chơi game liên tục, máy chỉ đáp ứng được 4 tiếng 15 phút và đó là con số mà mình không kỳ vọng nhận được.
Bù lại, ROG Phone 5 hỗ trợ sạc nhanh 65W và thử nghiệm thực tế cho thấy thời gian sạc đầy viên pin 6.000 mAh cũng khá ấn tượng. Tốn khoảng nửa tiếng để sạc pin của máy lên hơn 50% kể từ lúc cạn và sạc đầy chỉ tốn đâu đó cỡ 1 tiếng hơn.