Tác giả: Pnghuy
Nguồn: https://tinhte.vn/
Razer Blade 15 Advanced 2021 có thiết kế không thay đổi so với thế hệ trước, nhưng Razer luôn là một cái tên hot mà gần như mọi game thủ đều mong một lần trong đời được trải nghiệm, hay nói chung là những người đam mê công nghệ như anh em chúng ta. Blade 15 Advanced vẫn là một chiếc laptop mạnh mẽ, cấu hình khủng và độ hoàn thiện cực kì cao, thoả sức đáp ứng cho những game thủ đòi hỏi một thiết bị tinh xảo, hay những người làm công việc sáng tạo cần nó như một nguồn cảm hứng làm việc.
Thiết kế vẫn mang đậm nét Razer
Sẽ có nhiều người nói Razer Blade 15 nói riêng hay các laptop Razer nói chung có một hướng đi khác với các hãng laptop gaming còn lại, nó không hầm hố, nó không có những thiết kế gân guốc hay cơ bắp, nó đơn giản, chắc chắn và chỉ cần nhìn vào logo rắn ba đầu phát sáng, mọi người sẽ biết ngay đó là Razer. Cũng không thể phủ nhận Razer Blade có một triết lý thiết kế giống với Apple MacBook, khi máy được hoàn thiện bằng nhôm nguyên khối, một khối nhôm lớn và rất cứng cáp. Cũng vì vậy mà máy cho cảm giác chắc chắn, rất khó để làm nó bị flex, nhất là ở mặt C – khung bàn phím của máy.
Do đi theo triết lý thiết kế giống Apple, nên Blade 15 cũng có một vài nhược điểm như Apple MacBook, đó là phần viền xung quanh máy sẽ rất dễ bị tổn thương nếu như không bảo vệ cẩn thận. Dù nó không được cắt kim cương CNC bóng như kiểu của Predator Helios 300 nhưng nó cũng dễ bị tổn thương nếu chẳng may chúng ta va đập máy vào đâu đó. Kế đến là cách mà Razer chọn màu sơn cho máy, mình nghĩ rằng màu trắng bạc sẽ ít để lại mồ hôi cũng như dấu vân tay hơn bản màu đen nhám này. Mặc dù bản thân mình không phải là người ra mồ hôi tay thường xuyên nhưng chỉ cần chạm nhẹ lên bề mặt máy, nó sẽ để lại những vệt dấu vân tay và vô hình chung sẽ làm máy kém đẹp đi, bắt buộc chúng ta phải thường xuyên lau máy.
Mặt A chỉ đơn giản một logo Razer phát sáng (điều các fan Apple tiếc nuối trên MacBook – kể cả mình) trên một nền đen nhám được sơn phủ kĩ càng, làm cho logo càng nổi bật hơn, một mặt A đơn giản, không màu mè nhưng vẫn mạnh mẽ và tính nhận diện thương hiệu cao là điều mình thích, Razer đã làm được điều đó.
Do máy được làm bằng nhôm dày bản, cấu hình khủng và hệ thống tản nhiệt vapor chamber nên các cổng kết nối được Razer trang bị rất đầy đủ, từ Thunderbolt 4, USB-A, HDMI 2.1, jack 3.5mm, cổng sạc riêng cho đến khe thẻ SD, một thứ mà những chiếc laptop khác trong phân khúc không có. Rõ ràng một chiếc máy hướng đến công việc sáng tạo, những người sáng tạo nội dung chứ không riêng gì game thủ thì khe thẻ SD là thực sự cần thiết, chúng ta sẽ không cần bất kì một cái hub nào cả. Cách mà Razer sơn màu xanh lá lên những chân tiếp nối của cổng USB cũng thấy sự tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ của hãng, tạo ra sự khác biệt.
Màn hình 360Hz nhưng tỉ lệ 16:9 truyền thống
Màn hình của Blade 15 vẫn là 15.6″ FHD 360Hz, anh em cần lưu lý về màn hình của Blade 15 khi có ý định mua máy. Razer bán ra hai phiên bản với hai tên gọi là Base và Advanced, với bản Advanced anh em sẽ có option FHD 360Hz, QHD 240Hz và 4K OLED cảm ứng 60Hz. Phiên bản mình trên tay cho anh em là bản FHD 360Hz, nhưng nếu muốn cân bằng hơn giữa chất lượng hiển thị và tốc độ làm tươi thì option QHD 240Hz sẽ phù hợp hơn. Dĩ nhiên sẽ phải bỏ thêm chút đỉnh để lên QHD 240Hz nhưng nó sẽ đáng giá, vì màn hình QHD 240Hz sẽ cho chất lượng hiển thị tốt hơn FHD, 240Hz cũng là một con số cân bằng hơn là 360Hz có phần…hơi thừa.
Một điểm mình chưa ưng ý ở màn hình của Blade 15 đó là nó vẫn giữ tỉ lệ 16:9 truyền thống, dù chơi game sẽ không ảnh hưởng gì nhưng tỉ lệ 16:9 sẽ bị mất không gian hiển thị so với 16:10 khi làm việc, chẳng hạn như làm việc với văn bản, bảng tính hay đơn giản là lướt web. Một tỉ lệ 16:10 sẽ có thêm không gian, viền màn hình cũng vì thế sẽ mỏng đi, máy sẽ sexy hơn.
Máy cũng sẽ có webcam được nâng cấp từ 1MP lên 2MP (1080p), về lý thuyết sẽ cho chất lượng khi gọi video tốt hơn, hơn nữa nó cũng được tích hợp tính năng mở khoá khuôn mặt thông qua Windows Hello, tốc độ mở khoá nhanh và khá chính xác.
Bàn phím và touchpad của Blade 15 vẫn giống thế hệ trước, tức nó vẫn có điểm mạnh và nhược điểm. Điểm mạnh của bàn phím Razer đó là nó có dải đèn LED RGB Chroma trứ danh, rất sáng và trong, mình ít thấy hãng nào làm dải LED RGB đẹp như Razer, hơn nữa đây là LED RGB từng phím, cách làm của Razer là đưa ánh sáng đi qua các kí tự alphabet trên keycap chứ không hắt ra toàn bộ keycap, vì vậy nó cho độ trong cũng như không bị chói khi sử dụng trong điều kiện thiếu sáng.
Tuy vậy điểm yếu của bàn phím Razer là nó có hành trình nông, cảm giác gõ không sướng tay như những laptop gaming khác.
Hai bên bàn phím là hai dải loa khá lớn và được trang bị công nghệ Spatial Audio nhưng chất lượng nghe thì ở mức ổn, không được ấn tượng như MacBook, đặc biệt ở dải âm trầm khi nó không tái tạo được giống như cách mà MacBook đang làm. Khá đáng tiếc nhưng bù lại nó có âm lượng lớn và chi tiết tốt. Nút nguồn được đặt nằm chung với loa phải nhưng không có cảm biến vân tay.
Touchapd của Razer cũng có kích thước lớn, phủ kính và đương nhiên là trải nghiệm vô cùng mượt mà và thoải mái, nhưng việc sử dụng cơ chế clicky chứ không phải force touch như MacBook sẽ là một điểm mình chưa ưng lắm, nếu touchpad như MacBook thì sẽ là tuyệt vời.
Cấu hình thuộc hàng khủng nhất trong thế giới laptop gaming hiện tại
Cấu hình của Blade 15 Advanced thì không phải bàn cãi nhiều vì nó có cấu hình gần như mạnh nhất ở thời điểm hiện tại đối với một chiếc laptop gaming. CPU Intel Core i7-11800H đi kèm với GPU RTX 3080 là bảo chứng cho việc Blade 15 sẽ không ngán bất kì một tựa game nào. Chưa kể đến lượng RAM 32GB và 1TB SSD PCIe 4.0 sẽ bổ trợ cho sức mạnh của máy. Đây là cấu hình gần như mạnh nhất cho Blade 15 Advanced mà anh em có thể mua được. Hơn nữa, Blade 15 Advanced còn có 2 khe PCIe 4.0 để anh em mở rộng lưu trữ, tối đa là 2TB mỗi khe.
Để tản cho cấu hình này, Razer trang bị hệ thống tản nhiệt vapor chamber của máy với các ống đồng lớn, quạt đôi 50mm cùng với 88 lá giúp luồng khí di chuyển hiệu quả hơn và lý thuyết sẽ cho hiệu quả tản nhiệt tốt hơn. So với thế hệ Blade 15 của cách đây 2-3 năm thường gặp tình trạng throttling thì với thế hệ 2021 này được cải tiến hơn, điều này sẽ được khắc phục.
Anh em có thể điều chỉnh mức hiệu năng cũng như hiệu ứng đèn LED thông qua ứng dụng Razer Synapse, một điểm mình thích ở Blade 15 này đó là nó được tích hợp công nghệ NVIDIA Optimus, công nghệ này sẽ tự động đo lường khi nào người dùng cần một hiệu năng mạnh mẽ tự động kích hoạt GPU rời, còn lại thì sẽ sử dụng GPU tích hợp UHD. Đây là một công nghệ mà anh em sẽ thấy xuất hiện nhiều trong tương lai, đối với các laptop sử dụng GPU của NVIDIA.
Viên pin dung lượng 80Wh sẽ giúp cho người dùng sử dụng máy mà không cần sạc trong khoảng thời gian 4 tiếng với các tác vụ cơ bản, cá nhân mình trải nghiệm trong vài ngày thì cũng có thời lượng sử dụng tương tự (mình vẫn để nó hoạt động ở tốc độ làm tươi 360Hz chứ không giới hạn ở 60Hz). Nó không quá cao nếu so với ultrabook (laptop gaming mà) nhưng nếu cần cho việc ra ngoài trong khoảng 2-3 tiếng thì đây là mức thời lượng chấp nhận được. Cục sạc 230W của Razer Blade 15 khá to và nặng, nếu mang đi theo với máy thì tổng trọng lượng sẽ khoảng 3kg, không thoải mái một tí nào cả.
Razer vẫn luôn là Razer, họ luôn có một đối tượng khách hàng của riêng mình cũng như có một lối đi riêng trong số những hãng sản xuất laptop. Không màu mè, không gân guốc nhưng vẫn mạnh mẽ và biết gây sự chú ý, đó là Razer. Những chiếc laptop của Razer phù hợp với cả đối tượng game thủ và cả những người dùng sáng tạo, với game thủ sẽ là một thiết kế không quá hầm hố nhưng vẫn toát lên một nét gaming không lẫn vào đâu được, còn người dùng sáng tạo sẽ có cảm hứng để làm việc hơn nhờ vào sự hoàn thiện sắc sảo của máy. Bất kể ai đam mê công nghệ hay đặc biệt là fan của Razer thì đều mong muốn một lần trong đời được trải nghiệm laptop của Razer, bản thân mình cũng vậy và mình rất thích chiếc máy này.
Cám ơn laptopvang đã cho Tinh tế mượn máy để trên tay đến với anh em. Anh em quan tâm về Blade 15 có thể tham khảo tại đây.