
Trong bài trên tay cái đế sạc không dây rất xịn Mophie 3 trong 1, mình có nói mình không thích sạc không dây vì nó nóng quá, mình sợ hại pin. Vậy thì sạc không dây có nóng có hại pin hay không, mình sẽ chia sẻ với anh em qua kinh nghiệm thực tế của mình.
Trước tiên, chúng ta sẽ tìm hiểu nhanh về cơ chế hoạt động của pin điện thoại. Pin điện thoại gồm có 2 loại là lithium-ion (li-ion) vd iPhone, và pin lithium-polymer (li-po) vd Galaxy S20. Khi sạc, các phản ứng hóa học sẽ biến dòng điện thành năng lượng để tích lũy trong các tế bào pin (cell) và khi sử dụng thì nó sẽ đảo chiều các phản ứng đó lại, năng lượng trong cell pin được giải phóng để tạo thành điện năng cung cấp cho điện thoại.
Mỗi viên pin sẽ có hiệu điện thế hoạt động tối đa và tối thiểu, vd điện thế tối đa là 4.2V khi sạc đầy và tối thiểu là 3,7V khi gần cạn. Khi sạc pin hoặc xả, mạch quản lý của pin sẽ đảm bảo cho mức hiệu điện thế này không được vượt quá mức tối đa hoặc sụt thấp hơn mức tối thiểu, nếu cục pin nào mà pin tuột xuống dưới mức tối thiểu là nó bị chai (thợ hay gọi là không còn “cầm” được pin) còn vượt qua mức tối đa thì nóng, quá nhiệt, có thể gây phù pin hoặc tệ hơn là cháy nổ.
Vì vậy, cục pin còn tốt thì nó sẽ luôn hoạt động trong khoản hiệu điện thế được thiết kế. Thêm nữa, nhà sản xuất điện thoại còn tích hợp thêm tính năng quản lý dòng điện và nhiệt độ cho pin, để quản lý công suất sạc đầu vào không cho cục pin quá nóng. Theo như mình biết thì nếu điện thoại của anh em khi cắm sạc mà nóng quá 45 độ C thì nó sẽ tự động ngắt sạc không cho điện nạp vào nữa, tránh cho máy bị quá nhiệt và hư pin.
Đế sạc không dây 3 trong 1
Đối với sạc pin bằng cáp, cục sạc là thiết bị biến áp có nhiệm vụ biến đổi dòng điện xoay chiều AC 220V thành dòng điện 1 chiều DC 5V để sạc vào điện thoại của anh em, cho nên cục sạc sẽ bị nóng lên, tùy loại cục sạc xịn hay dỏm, chất lượng linh kiện tốt hay không, tản nhiệt có tốt không vv và vv thì cục sạc sẽ nóng nhiều hay nóng ít. Tuy nhiên cục sạc nằm xa cái điện thoại của anh em cho nên nó không dẫn nhiệt qua điện thoại.
Đối với sạc không dây, đế sạc có mạch điện để tạo ra dòng cảm ứng điện từ (Vật lý lớp 12) để sạc cho điện thoại. Tương tự với cục sạc, đế sạc không dây dỏm, đồ lô khi sạc sẽ nóng hơn đồ xịn. Hồi năm 2018 mình từng mua 1 cái đế sạc không dây giá 200k của chị na để xài cho iPhone X, nó nóng tới mức cong quéo luôn cái đế sạc. Và vì điện thoại đặt trực tiếp lên đế sạc thì dĩ nhiên nhiệt cũng truyền qua, mà nhiệt độ cao lại là kẻ thù của tuổi thọ pin. Đây chính là lý do tại sao 3 năm rồi Apple vẫn chưa hoàn thiện được cái đế sạc không dây sạc 3 thiết bị cùng lúc.
Cái sạc không dây chị na bán giá khoảng 200k
Cá nhân mình đã từng sử dụng đế sạc không dây từ iPhone X và một số máy flagship Android như Note8, Note9, thì kinh nghiệm cá nhân là nếu anh em sử dụng đế sạc không dây xịn thì máy không bị quá nhiệt khi sạc, chỉ âm ấp như sạc bằng cáp.
Hiện tại trong phòng mình vẫn có 2 cái đế sạc không dây loại tốt, đều là chuẩn Qi (chi), một cái của Nokia Lumia 930 và một cái của Samsung, vợ mình vẫn thường xuyên dùng sạc này và tối nào cũng để máy (iPhone X) sạc qua đêm, sử dụng 2 năm nay pin vẫn còn được tới 91%, cho thấy là sạc không dây không làm chai pin như lời đồn.
Qua thời gian khoảng 3 năm sử dụng đế sạc không dây, mình thấy chuẩn sạc này vẫn còn vài nhược điểm sau:
- Phải đặt máy lên đế mới sạc được, tức là không vừa sạc vừa dùng được so với sạc cáp. Lúc đang sạc mà có tin nhắn hay điện thoại thì phải cầm đt lên dùng, rồi bỏ xuống sạc tiếp, dễ gây ứng chế tâm lý cắm sạc – rút ra – cắm sạc liên tục nhanh làm chai pin.
- Đối với các đế sạc không dây sạc 1 máy như cái của Nokia mình đang dùng thì phải đặt máy cân đối lên đế sạc, nếu đặt lệch qua một bên thì nó chỉ sạc lên 80% pin rồi ngắt, và máy sẽ bị nóng hơn bình thường.
Cái đế sạc Qi của Nokia mình còn xài tới bây giờ
- Trên đế sạc không dây thường có đèn báo tín hiệu, nếu anh em thấy đèn này cứ chớp tắt chớp tắt tức là máy bị đặt lệch, cần phải đặt ngay ngắn lại.
- Sạc không dây chống chỉ định với kim loại, có thể gây quá nhiệt làm cháy điện thoại do đó anh em tuyệt đối không dùng ốp kim loại hoặc miếng dán nam châm để hít lên xe ô tô.
Dĩ nhiên sạc không dây cũng có ưu điểm của nó:
- Nếu máy có chống nước mà lỡ vô nước ướt/hư cổng sạc thì dùng sạc không dây vẫn bình thường
- Không cần tìm dây rồi cắm dây, cứ đặt đt lên đế là sạc
- Cảm giác hợp thời đại, xịn sò

Nguồn: Nam Air – Tinhte.vn