Virus corona đã thực sự làm thay đổi thế giới mà chúng ta từng biết.
Từ các sự kiện bị hủy bỏ, cho đến các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa vĩnh viễn, và sự hình thành của các xu hướng mới, cuộc sống của chúng ta đang chậm rãi biến chuyển đến mức mọi thứ sẽ không bao giờ trở lại như trước nữa. Đó là “chuẩn mực mới” sẽ định hình thế giưới của chúng ta trong nhiều tháng, hay thậm chí là nhiều năm tới, và nó sẽ tác động lên mọi thứ, bao gồm cả ngành công nghiệp di động. Chúng ta đã và đang chứng kiến một số hiệu ứng tức thời của điều đó, và các nhà sản xuất smartphone sẽ phải thích nghi nhanh chóng, nếu không sẽ đứng trước nguy cơ bỏ lỡ mất cơ hội mới, và nghiêm trọng hơn là đánh mất cả thị trường.
Trước đại dịch
Có thể một số người sẽ khó mà hình dung được thế giới từng trông ra sao vài tháng trước, và điều đó đúng với cả thị trường smartphone nữa. Mới chỉ nửa năm trước thôi, các mẫu điện thoại màn hình gập được dự báo sẽ trở thành thành tựu lớn tiếp theo trên lĩnh vực di động, ít nhất là sau khi 5G đã được triển khai trên diện rộng.
Và dường như xu hướng đẩy mạnh sức mạnh thuần của smartphone cũng chưa có dấu hiệu dừng lại – chúng ta có những mẫu smartphone đủ khả năng tấn công thị trường PC bình dân. Đáng chú ý nhất, xu hướng ra mắt những mẫu flagship ngày càng đắt đỏ dường như không thể tránh khỏi.
Thế rồi COVID-19 xảy ra. Các nhà máy phải đóng cửa, và điều tương tự cũng xảy ra với văn phòng các công ty, tập đoàn trên toàn thế giới. Mọi người buộc phải làm việc tại nhà. Nhu cầu sử dụng Internet phục vụ giải trí và công việc tăng cao. Nhưng dù smartphone đã trở thành một sản phẩm hết sức quan trọng cho phép mọi người giữ liên lạc với gia đình và bạn bè, cũng như cập nhật thông tin trong quá trình cách ly, phong tỏa, thì xu hướng mua sắm của mọi người vẫn có sự thay đổi chỉ trong vòng 3 tháng dịch. Và nguyên nhân của sự thay đổi đó chủ yếu bắt nguồn từ giá bán.
Xếp hạng nhu cầu
Smartphone và máy tính đều trở nên quan trọng hơn nhiều so với trước đây, nhưng khi đối mặt với tình hình hiện tại, người ta buộc phải tái cân nhắc những thứ họ thực sự xem là thiết yếu khi lựa chọn smartphone. Khi bạn cần tiết kiệm cho một tương lai bất định, sở hữu một chiếc smartphone mới nhất và cao cấp nhất chưa hẳn là điều nên làm. Đặc biệt khi những tính năng nhiếp ảnh cao cấp được quảng cáo rầm rộ kia bỗng trở nên vô dụng khi chúng ta phải ngồi trong nhà cả ngày.
Trong 3 tháng dịch, chiếc smartphone phổ biến nhất không phải Samsung Galaxy S20 hay Galaxy Note 10, hay thậm chí là iPhone. Đó là chiếc Galaxy A51 tầm trung, đứng top trong bảng doanh số smartphone đang bán trên toàn thế giới.
Xét sự đón nhận của người tiêu dùng ở thời điểm ra mắt, chiếc iPhone SE 2020 mới nhiều khả năng cũng sẽ khuấy đảo thị trường. Dù vẫn sẽ có nhiều người muốn “trên tay” những mẫu smartphone cao cấp, đắt đỏ, nhưng nhìn chung, thị trường dường như đang chuyển hướng sang ưu ái những chiếc điện thoại tốt nhất hiện có trong một phân khúc giá nhất định.
Xóa nhòa lằn ranh
Ngày nay, những lằn ranh phân chia giữa các phân khúc smartphone đã nhạt nhòa đi nhiều. Trước đây, bạn có thể dễ dàng chỉ ra một chiếc điện thoại thuộc phân khúc bình dân, tầm trung, hay cao cấp đơn thuần dựa trên cấu hình và giá bán của chúng. Còn bây giờ, một số mẫu flagship cao cấp lại chỉ được trang bị màn hình FHD+, còn một số mẫu điện thoại tầm trung lại có đến 6 – 8 GB RAM.
Giá bán cũng có sự giao động lớn, với việc các nhà sản xuất như OnePlus, Honor, và một số đến từ Trung Quốc đang bán ra những mẫu điện thoại với cấu hình gần như tương đồng với các mẫu flagship nhưng có giá bán thấp hơn đáng kể.
Không chỉ công thức thay đổi, ngay cả vi xử lý – nền tảng sức mạnh của những chiếc smartphone – cũng góp phần xóa nhòa lằn ranh phân chia các phân khúc. Những con chip như Qualcomm Snapdragon 765, MediaTek Dimensity 820 5G, và gần đây nhất, Samsung Exynos 880, hứa hẹn mang lại hiệu năng vừa đủ cho các tác vụ quan trọng nhất mà người dùng mong đợi với mức giá tất nhiên là thấp hơn so với các chip cao cấp, và còn được trang bị kết nối 5G nữa. Khi ngày càng nhiều điện thoại sử dụng những con chip này, bao gồm chiếc Pixel 5 sắp tới, người tiêu dùng sẽ sớm nhận ra rằng những thiết bị thường được xem là không cao cấp vẫn có thể mang lại hiệu năng và tính năng khiến họ hài lòng.
Làn gió đổi mới
Chúng ta chưa biết bao giờ thế giới mới trở lại bình thường, hoặc liệu nó có trở lại bình thường hay không. Ngay cả khi tình hình virus corona đã dịu bớt, vẫn sẽ có một quãng thời gian mà các quốc gia và các doanh nghiệp ở tình trạng cảnh giác cao độ trước khả năng tình hình xấu đi trở lại. Nói cách khác, sẽ mất rất nhiều thời gian trước khi mọi thứ trở lại “bình thường như xưa”, và cho đến lúc đó, mọi người đã hoàn toàn thay đổi để thích nghi rồi.
Người dùng smartphone có lẽ sẽ ưu tiên sử dụng điện thoại lâu nhất có thể. Một số sẽ không có nhiều lựa chọn bởi họ cần phải đảm bảo kế hoạch tài chính trong tương lai, thay vì chạy đua mua sắm những sản phẩm mới nhất, tiên tiến nhất mà các hãng giới thiệu.
Phản ứng của thị trường đối với các điện thoại đắt đỏ như Galaxy S20 Ultra đã nói lên khá nhiều điều, và ngay cả Apple cũng phải chật vật, không chỉ tìm cách hoàn thành quá trình sản xuất trước deadline, mà còn phải hoàn thành các mục tiêu doanh số đặt ra. Mức giá cao sang của những chiếc điện thoại Galaxy và iPhone đang nhanh chóng trở thành đúng với bản chất của chúng: cao sang.
Các nhà sản xuất smartphone chắc chắn sẽ phải nghiên cứu lại những kế hoạch xưa cũ đầy tham vọng của họ. Dù họ sẽ vẫn thúc đẩy những mẫu smartphone tốt hơn, đắt đỏ hơn, nhưng thị trường có lẽ sẽ sớm quyết định rằng nó không đi theo hướng đó, ít nhất là trong thời gian trước mắt. Trừ khi các OEM thích nghi và đáp ứng được nhu cầu mới này, họ sẽ rơi vào tình trạng như Samsung hiện nay: chứng kiến một trong những mẫu smartphone hàng đầu thế giới của năm có doanh số đáng thất vọng và bị người tiêu dùng hờ hững, ghẻ lạnh.
Tham khảo: SlashGear