
Trước giờ mặc định cứ thấy điện thoại cao cấp thì chúng ta sẽ nghĩ ngay rằng nó dùng chip Snapdragon 8xx, còn thấy Snapdragon 7xx là biết đó chỉ là smartphone tầm trung. Tuy nhiên hiệu năng của những con chip này đã thay đổi rất nhiều trong những năm qua, đến mức một số mẫu smartphone cao cấp mới đã chuyển sang dùng Snapdragon 765G (ví dụ: Pixel 5, LG Wing, Vivo X50 Pro…). Vì sao lại nói rằng những con chip Snapdragon 8xx không còn cần thiết nữa, GSMArena có góc nhìn khá hay về vấn đề này, mời các bạn tham khảo.
Mức độ tiêu thụ năng lượng cao không cần thiết
Chip mạnh thì ai lại chẳng khoái, nhưng khi chip ngày càng nhỏ, thiết bị ngày càng nhỏ, thì hiệu năng cao cũng đi kèm với một số thứ cần đánh đổi: bạn phải đánh đổi thời gian dùng pin, đánh đổi về nhiệt lượng tỏa ra, và đánh đổi về chi phí. Trong quá khứ, những đánh đổi này gần như không thể tránh khỏi nhưng nhờ vào những tiến bộ trong việc sản xuất và thiết kế chip, chúng ta đã có được những con chip mạnh vừa đủ, đem lại trải nghiệm đủ tốt trong khi không cần phải quá đắt tiền hay thuộc dòng chip cao cấp nhất.
Hãy suy nghĩ về mức độ tiêu thụ năng lượng trước. Chẳng cần phải rành công nghệ cũng biết rằng cái gì mạnh hơn thì sẽ tiêu hao nhiều “nhiên liệu” hơn. Những con chip SoC vẫn là một trong những linh kiện ăn điện nhiều nhất trong một chiếc smartphone. Quy trình sản xuất có thể đã cải thiện theo thời gian để chip dùng ít điện hơn, nhưng song song đó người ta cũng tăng số bóng bán dẫn lên cho những dòng SoC cao cấp cơ mà.
Trong quá khứ, SoC cao cấp có thể đem lại trải nghiệm khác hẳn so với các dòng SoC tầm trung. Máy mượt hơn đáng kể, camera chụp hình và xử lý nhanh hơn đáng kể, thậm chí ảnh chụp ra cũng đẹp hơn nhờ bộ xử lý hình ảnh ISP tốt hơn. Tuy nhiên năm 2020 thì mọi thứ đã khác, những con SoC tầm trung vẫn đủ mạnh để đem lại trải nghiệm tương tự như vậy, thậm chí ở nhiều tác vụ bạn còn không thể thấy được sự khác biệt. Song song đó, các SoC tầm trung cũng đã đủ năng lực để xử lý hình ảnh từ nhiều camera, hỗ trợ AR VR, chơi game với cấu hình cao…
Một con chip tuyệt vời để cho bạn thấy được điều này là Snapdragon 765G, đang được dùng trên các máy như OnePlus Nord, LG Wing, Pixel 5, Vivo X50 Pro. Với những con điện thoại này, hiệu năng của máy chạy rất tốt, và chúng tôi gần như không thấy thiếu gì so với những chiếc smartphone dùng SoC cao cấp.
Mức độ tiêu thụ điện của SoC ảnh hưởng trực tiếp đến thiết kế của chiếc smartphone. Những chiếc máy Android phải ngày càng to hơn để chứa được cục pin dung lượng lớn. Chip càng mạnh thì pin càng phải to để đáp ứng cơ mà. Đây cũng có thể là lý do vì sao điện thoại Android hiếm khi nào có phiên bản compact.
Apple né được vấn đề này vì họ tự thiết kế phần mềm và phần cứng của mình từ đầu, nên họ biết cần tối ưu cái gì để đạt được sự cân bằng giữa hiệu năng – thời gian dùng pin. Trong thế giới Android, rất ít nhà sản xuất có thể làm được điều này, họ phải dùng chip từ một bên thứ ba, và thậm chí nhiều hãng cũng không thể can thiệp được vào thiết kế nhân xử lý để điều chỉnh cho hợp lý.
Một sự đánh đổi nữa của SoC cao cấp đó là máy nóng hơn
Nếu bạn đặt rất nhiều bóng bán dẫn vào một con chip nhỏ xíu, chắc chắn nó sẽ nóng. Càng nhiều bóng thì càng nóng, chưa kể đến những lúc máy chạy nặng thì SoC sẽ lại càng nóng hơn.
Không chỉ ở điện thoại mà cả PC cũng thế, khả năng làm mát của máy sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới hiệu năng và trải nghiệm của bạn. Không phải ngẫu nhiên mà người ta lắm cho các dàn desktop những con quạt tản nhiệt to lớn. Không phải ngẫu nhiên mà những chiếc laptop được thiết kế hệ thống tản nhiệt to, phức tạp, khe hút gió – đẩy gió nằm khắp nơi. Và cũng không phải ngẫu nhiên khi các workstation cần chạy trong thời gian dài đều là dạng desktop.
Khi bạn không làm mát chiếc máy của mình đủ tốt, CPU sẽ tự động giảm hiệu năng lại để không bị hư hỏng, dẫn đến trải nghiệm sử dụng cũng bị kém đi.
Còn với smartphone, bạn có được sự “xa xỉ” đó vì máy quá nhỏ, quá mỏng. Thế nên các nhà sản xuất thường phải điều chỉnh lại con chip của mình để nó không tỏa ra quá nhiều nhiệt, và trong nhiều trường hợp thì con chip phải bị giảm hiệu năng lại để máy đủ mát khi sử dụng. Ngày nay đâu có hiếm chip ARM dùng cho máy tính: Mac Mini mới của Apple chạy chip Apple A13, Surface Pro X chạy chip Microsoft SQ đấy thôi.
Người ta cũng sáng chế ra cơ chế kết hợp nhân CPU mạnh và CPU tiết kiệm điện để tùy việc mà nhân nào sẽ chạy lên để xử lý, giúp giảm mức độ tiêu thụ pin cũng như giảm nhiệt lượng tỏa ra. Và việc chạy CPU mạnh cũng thường xảy ra trong thời gian ngắn mà thôi, xong việc thì tắt đi.
Hoặc như Asus, họ tặng hẳn 1 cái quạt tản nhiệt cho dòng ROG Phone của mình, nhưng với đa số smartphone thì đây không phải là giải pháp khả thi.
Thế nên mới nói rằng việc sử dụng các SoC tầm trung sẽ giúp giảm nhiệt độ tỏa ra trong khi vẫn duy trì được hiệu năng đủ tốt trong thời gian dài. Vì hiện năng các SoC tầm trung như Snapdragon 765G đã rất mạnh mẽ rồi, đủ sức đáp ứng mọi nhu cầu bình thường của bạn cơ mà. Bạn đâu cần một con chip mạnh hơn nhưng nóng hơn làm gì.
Vấn đề cuối cùng là chi phí
Các SoC cao cấp sẽ đắt tiền, nó làm tăng chi phí giá thành của smartphone và dẫn tới giá bán cao hơn. Một con Snapdragon 865 có giá $160 đã bao gồm modem mạng, và xu hướng giá chip sẽ tăng lên chứ không giảm. Và đi kèm theo con chip này còn có thiết kế hệ thống tản nhiệt rồi hàng tá thứ khác để nó chạy được, thế lại càng đẩy giá cao lên.
Xiaomi đã từng thử nghiệm các model điện thoại giá thấp nhưng vẫn có SoC cao cấp. Tuy nhiên đây không phải là giải pháp lâu dài và họ đã có xu hướng chuyển sang con đường truyền thống hơn. Trong khi đó OnePlus Nord có giá bán cao, sử dụng SoC tầm trung nhưng trải nghiệm vẫn ngon thì tại sao các hãng sản xuất lại phải bỏ nhiều tiền cho SoC làm gì.
Một phần quan trọng của việc tạo ra trải nghiệm tốt không chỉ nằm ở con chip, mà nó còn liên quan đến việc tối ưu phần mềm nữa. Nếu bạn có một con chip flagship mà tối ưu phần mềm không tốt thì cũng vứt mà thôi, tốn tiền mà chẳng được lợi ích gì.
Tóm lại: SoC cao cấp giờ đã không còn nhiều giá trị như xưa. Những chiếc smartphone bình thường có thể sống khỏe với giá dòng SoC tầm trung, như vậy giá rẻ hơn, hoặc dùng chi phí đó làm những thứ có ích hơn cho người dùng.
Nguồn: Tinhte.vn – Duy Luân