Tác giả: PW
Nếu theo dõi tình hình công nghệ panel màn hìnhTV cũng như monitor máy tính hiện giờ, và nếu có ngồi theo dõi sự kiện Spring Loaded vào đêm qua theo giờ Việt Nam, mình tin anh em cũng sẽ nghĩ giống mình: “Apple điên rồi, ngay bây giờ làm gì có thiết bị nào panel mini-LED mà chỉ có giá khởi điểm từ 1099 USD?”
Điều đó đưa chúng ta đến với thực tế không thể phủ nhận, đó là ngay trong năm 2021 này, iPad Pro 2021 bản 12.9 inch là giải pháp kinh tế nhất để anh em trải nghiệm những lợi ích của màn hình tấm nền mini-LED so với tấm nền LED backlit trang bị cho những màn hình LCD ra mắt trước đó.
mini-LED và local dimming zone
Hai từ khóa đáng chú ý nhất trong sự kiện rạng sáng nay chính là hai cụm từ kể trên, chứ không phải Liquid Retina hay gì gì, đó đơn thuần chỉ là khái niệm marketing mà những cái đầu đầy sạn ở Apple nghĩ ra để khiến sản phẩm của họ đã hot lại càng thêm hot. Bản chất mini-LED đáng lẽ ra được các kỹ sư nghiên cứu để giúp công nghệ màn hình tinh thể lỏng đạt được chuẩn mực và chất lượng hình ảnh tiệm cận công nghệ OLED với những diode phát sáng hữu cơ càng gần càng tốt. Vì lý do đó, đáng lẽ, mini-LED phải phổ cập và có giá rẻ hơn OLED, nhưng vì công nghệ này còn khá mới, nên chi phí vẫn chưa xuống được đến mức phục vụ được đông đảo nhu cầu thị trường.
Với công nghệ LED LCD, hàng trăm đến hàng nghìn bóng LED backlit kích thước 1000 μm chia thành hàng chục đến hàng trăm local dimming zone, nghĩa là dùng chip controller để điều khiển cường độ sáng của từng khu vực bóng LED. Còn với mini-LED, con số bóng chiếu sáng tấm nền sẽ lên tới hàng nghìn hay hàng chục nghìn, chia thành hàng trăm đến hàng nghìn local dimming zone, tối đa hóa khả năng hiển thị hình ảnh tương phản. Phụ thuộc vào độ sáng của từng khu vực dimming zone, chất lượng hình ảnh và clip HDR sẽ càng ấn tượng. Cái này không đơn giản nhìn ảnh mà có thể đưa ra kết luận, vì không phải màn hình nào cũng tốt như nhau. Anh em có iPhone xài màn OLED sẽ thấy được khả năng hiển thị màu sắc và tương phản trong những clip hay phim HDR trên Netflix hay YouTube phê cỡ nào. Mà với iPhone 12, độ sáng tối đa của màn hình cũng chỉ chạm được đến ngưỡng 1.200 nits, đối với iPad Pro 12.9″ 2021, con số này là 1.400 nits.
Một cái mình hơi lo là khả năng tản nhiệt cho iPad Pro. Bóng LED phát sáng cũng tỏa nhiệt, và điều đó sẽ ảnh hưởng tới khả năng vận hành của chính chiếc máy. Lấy ví dụ như Pro Display XDR, dù vẫn dùng công nghệ LED, với 576 bóng LED xanh và 12 controller điều khiển từng bóng, tạo ra 576 full array local dimming zone, màn hình vẫn khá cồng kềnh vì phải trang bị hệ thống tản nhiệt. Không biết sử dụng thực tế iPad Pro 12.9″ trang bị chip M1 sẽ như thế nào, cái đó chắc chờ đến cuối tháng trải nghiệm cụ thể.
Nhưng, ở một khía cạnh khác, tất cả những gì liên quan đến cấu hình đều cho thấy iPad Pro 12.9″ M1 đáng kinh ngạc hơn chiếc màn hình giá 4999 USD của Apple: 10.000 bóng mini-LED, chia thành 2.500 vùng sáng, độ sáng trung bình 1.000 nits, độ sáng tối đa 1.600 nits. Giờ chuẩn HDR cao nhất của VESA cũng mới chỉ là DisplayHDR 1400, nghĩa là màn hình phải đạt độ sáng tối đa 1.400 nits. iPad Pro sẽ không thể hiển thị hình ảnh ở độ sáng 1.600 nits liên tục, mà cũng giống hệt như CPU, chạy hết công suất chỉ được một khoảng thời gian sẽ bị bóp xung nhịp để ổn định nhiệt độ.
Bên cạnh những lợi thế về độ sáng và độ tương phản hình ảnh, mini-LED tốn ít năng lượng hơn LED hiện giờ, và hoàn toàn không gặp vấn đề như OLED liên quan đến tình trạng burn in, hình ảnh tĩnh hiện lâu quá khiến diode phát sáng hữu cơ xuống cấp, dẫn tới tình trạng thoái hóa điểm ảnh và lưu ảnh vĩnh viễn, xem những nội dung khác mà hình tĩnh của các chương trình hoặc khung hình trước đó vẫn hiện diện trên màn. Cái này anh em nào dùng TV OLED bật VTV1 lâu quá sẽ được trải nghiệm tận mắt.
mini-LED chắc chắn sẽ không thể tạo ra chất lượng hình ảnh ấn tượng ngang tầm với OLED, nhưng chí ít nó cũng gần đạt tiêu chuẩn mà OLED tạo ra, nên mình rất kỳ vọng vào công nghệ này một ngày nào đó sẽ ổn định về mức giá để ai ai cũng được trải nghiệm những lợi thế rõ ràng của công nghệ này.
Thực tế thị trường màn hình và TV mini-LED hiện giờ
Câu ở trên chỉ là ước mơ thôi, chứ dạo một vòng thị trường thiết bị màn hình, TV và laptop trang bị mini-LED, giá vẫn còn cao chót vót.
Đầu năm ngoái ở CES 2020, MSI đem tới sự kiện chiếc laptop màn hình mini-LED đầu tiên, Creator 17. Chiếc này hiện tại bán ở thị trường Việt Nam giá khoảng 60 triệu Đồng cho phiên bản dùng Core i7-10875H, 32GB RAM và GOU RTX 2070 Super Max-Q, tức là gấp gần 3 lần so với giá iPad Pro 12.9″ M1 bản cấu hình thấp nhất. Đến đây phải công bằng với MSI. Chiếc laptop của họ trang bị panel 4K 17 inch mini-LED, độ sáng tối đa 1160 nits, độ sáng trung bình 1000 nits.
Bản thân công nghệ mini-LED mới quá, cho nên hiện giờ các hãng đều chỉ tập trung ứng dụng nó cho những sản phẩm cao cấp nhất. Nếu ngại việc so sánh cấu hình giữa iPad Pro và MSI Creator 17, thì hãy nhìn vào thị trường màn hình vi tính. Một trong những chiếc monitor đầu tiên sử dụng panel mini-LED chính là Asus ProArt PA32UCX. Mình thích chiếc này lắm. Vẫn là 4K, vẫn là 1.400 nits độ sáng tối đa, nhưng màn hình cho anh em thiết kế này chỉ chia các bóng mini-LED thành 1.152 vùng sáng, nặng 14kg, báo giá 60 triệu, bằng luôn cái laptop ở trên. Ấy vậy mà anh em nước ngoài review cái màn này cho nó số điểm tuyệt đối, không thể chê vào đâu được.
QUẢNG CÁO
Một ví dụ khác vừa ra mắt đầu năm nay là Dell UltraSharp UP3221Q PremiereColor, báo giá 5.000 Đô, bằng với một chiếc Pro Display XDR độ phân giải 6K, hiển thị 100% dải màu DCI-P3, 94% dải màu AdobeRGB trong thử nghiệm thực tế. Màn này cũng có độ phân giải 4K, 32″ và 2.000 vùng sáng điều khiển độc lập.
Thị trường màn hình máy tính đã gắt, thị trường TV cũng chẳng thua kém gì. Hôm vừa rồi TCL vừa giới thiệu TV mini-LED kết hợp công nghệ tấm nền chấm lượng tử. Chiếc C825 55″ báo giá 31 triệu, 65″ thì thêm mười triệu nữa. Nhưng bù lại, chiếc này chơi PS5 thì hết nút, vì nó hỗ trợ tần số quét 120Hz ở độ phân giải 4K, thông qua kết nối HDMI 2.1. Tầm giá đó mua được OLED LG 48 đến 55 inch rồi.
Ấy vậy mới thấy, dù chỉ có màn hình 12.9″ độ phân giải 2732×2048 pixel, tính ra tổng số điểm ảnh cũng chỉ ít hơn gấp rưỡi so với màn hình độ phân giải 4K (5.595.136 pixel so với 8.294.400 pixel), nhưng mức giá của iPad Pro M1 bản màn hình lớn đủ rẻ để thuyết phục người tiêu dùng và anh em làm sáng tạo mua về chỉ để trải nghiệm cái sự thần kỳ của công nghệ mini-LED. Dù không vẽ vời chỉnh ảnh hay làm clip, thì ngồi xem phim HDR trên Netflix cũng đủ phê rồi. Vả lại, màn hình gần 13 inch thì đâu cần phải 4K?
Nguồn: Tinhte.vn