Tác giả: Truong Thanh
ASUS TUF GAMING RX 6800 XT – Phải nói rằng năm 2021 là một năm thành công đối với AMD khi hãng lần lượt đạt được lợi thế trên cả hai “mặt trận” CPU và GPU trước hai đối thủ “đội xanh”, thoát khỏi vị thế vô cùng khó xử khi chỉ có thể cạnh tranh với đối thủ từ phân khúc tầm trung – cao cấp như với thế hệ kiến trúc RDNA đầu tiên.
Trong đó, khi ra mắt dòng sản phẩm AMD RX 6000 Series sử dụng kiến trúc RDNA 2 hoàn toàn mới, AMD đã mạnh dạn tung ra dàn sản phẩm “chủ lực” của mình trải dài từ phân khúc cao cấp nhất AMD RX 6900 XT cạnh tranh mạnh mẽ với các card đồ hoạ NVIDIA RTX 3090 của “đội xanh” đến các phiên bản tầm thấp hơn như AMD RX 6800 nhằm “cò kè” lên xuống với đối thủ NVIDIA RTX 3070 ở phân khúc tầm trung – cao cấp.
Đặc biệt hơn cả, để “đối mặt” trực tiếp với đối thủ “chủ lực” của NVIDIA trong phân khúc sản phẩm cao cấp bị bỏ ngõ rất nhiều năm qua là NVIDIA RTX 3080, AMD đã vô cùng “ưu ái” cho một phiên bản card đồ hoạ AMD RX 6800 XT mà ASUS là một trong số ít hãng kịp “về hàng” tại Việt Nam với phiên bản ASUS TUF GAMING RX 6800 XT trong khi rất nhiều đối thủ khác đành “ngậm ngùi” bỏ qua dòng sản phẩm này để đến với AMD RX 6700 XT mới ra mắt gần đây vì… cạn nguồn hàng.
Với sự hỗ trợ từ phía ASUS, Vietgame.asia đã có dịp đánh giá một trong số những mẫu card đồ hoạ “hút hàng” nhất hiện nay để đem đến cho bạn đọc cái nhìn trực quan nhất về sản phẩm này.
Nào, hãy cùng đến với bài đánh giá chi tiết card đồ hoạ các bạn nhé!
ASUS TUF GAMING RX 6800 XT – TO, ĐẸP, CHẮC CHẮN!
Cũng giống như một số hãng sản xuất khác trong thời gian gần đây có khuynh hướng sử dụng chung một khung thiết kế để tiết kiệm chi phí chế tạo và sản xuất như Gigabyte từng làm với dòng sản phẩm Gaming OC của mình thì ASUS cũng áp dụng chiến thuật tương tự đối với ASUS TUF GAMING RX 6800 XT nói riêng và dòng sản phẩm TUF nói chung.
Thế nên thoạt nhìn, mẫu card đồ hoạ đến từ đội đỏ có vỏ ngoài gần tương tự phiên bản “đối thủ” ASUS TUF RTX 3080 Gaming OC 10G của mình, chỉ khác biệt đôi chút là vỏ hộp sử dụng tông màu đỏ chủ đạo thay vì tông màu xanh chuối của các card đồ hoạ đến từ NVIDIA.
Tiến hành đập hộp sản phẩm, dễ thấy thiết kế của cả hai sản phẩm đều tương tự nhau cả về kích thước lẫn khối lượng, cả hai đều là card đồ hoạ có kích thước “hàng khủng” nhất hiện nay, ngang ngửa với mẫu Gigabyte RTX 3080 Vision OC 10G và cũng rất khó gắn vào các mẫu thùng máy Mid-Tower dạng compact như FSP CMT340.
ASUS cũng áp dụng chiến thuật tương tự đối với ASUS TUF GAMING RX 6800 XT nói riêng và dòng sản phẩm TUF nói chung
Vẫn sở hữu thiết kế ba quạt với mặt nạ được gia công bằng chất liệu kim loại, mẫu card đồ hoạ dòng TUF của ASUS đem đến cảm giác sang trọng, chắc chắn và bền bỉ đáng có của một sản phẩm card đồ hoạ cao cấp.
Điểm khác biệt nho nhỏ giữa ASUS TUF GAMING RX 6800 XT và đối thủ đến từ đội xanh của mình chính là khe “cửa sổ” thông gió ở mặt sau có kích thước nhỏ hơn đôi chút, điều này đồng nghĩa với việc bo mạch PCB của phiên bản này dài hơn so với phiên bản RTX 3080.
Điều này cũng tương tự như tình huống của phiên bản Gigabyte RX 6700 XT Gaming OC 12G ra mắt gần đây cũng sở hữu bo mạch PCB dài hơn phiên bản Gigabyte RTX 3060 Gaming OC 12G và do đó, sở hữu khe tản nhiệt mặt sau hẹp hơn.
Cũng chính vì thế mà khác với các card đồ hoạ sử dụng chip GPU của NVIDIA có khuynh hướng đưa cổng cấp nguồn ra gần chính giữa, ASUS TUF GAMING RX 6800 XT sở hữu cấu hình cấp điện 8 + 8pin được bố trí ở gần cuối thân card.
Bản thân người viết thích kiểu bố trí dây cấp điện này hơn phương thức bố trí cấp nguồn giữa thân card, vì bố trí này giúp cho việc đi dây cáp nguồn đơn giản và dễ dàng hơn, không choán chỗ khe PCIe ở phía dưới, nhất là khi bạn sử dụng một thiết bị mở rộng khác ở khe này như ổ cứng SSD tốc độ cao, card âm thanh, hay card ghi hình (capture) chuyên nghiệp.
Một khác biệt nho nhỏ khác nằm ở mặt sau của chip xử lý đồ hoạ khi phiên bản đến từ đội đỏ được trang bị “dàn tụ” MLCC (Multi-Layer Ceramic Capacitor – Tụ điện gốm nhiều lớp) thuộc hàng “khủng long” hơn với nhiều tụ hơn hẳn phiên bản sử dụng chip RTX 3080.
Về tổng thể, với tư cách là một trong những sản phẩm “chiến lược” của đội đỏ thiết kế của ASUS TUF GAMING RX 6800 XT dễ dàng làm hài lòng những người dùng khó tính với sự “bề thế” của dàn tản nhiệt, sự cứng cáp trong lựa chọn vật liệu và sự tinh tế trong gia công chế tạo.
ASUS TUF GAMING RX 6800 XT – SỨC MẠNH VÔ CÙNG ẤN TƯỢNG!
Nếu như mẫu card đồ hoạ AMD RX 6800 được Vietgame.asia giới thiệu với bạn đọc trước đây chỉ có thể so sánh với ASUS TUF RTX 3080 Gaming OC 10G duy nhất ở phép thử nghiệm 3DMark Fire Strike ở cách dựng hình truyền thống, mà những phép thử còn lại bị lấn lướt về nhiều mặt thì đối với một đối thủ xứng tầm hơn như ASUS TUF GAMING RX 6800 XT, kết quả đã trở nên ấn tượng hơn hẳn.
Điều này dễ dàng thấy được qua các thử nghiệm sơ bộ bằng các chương trình chấm điểm quen thuộc.
Đối với phép thử dựng hình truyền thống 3DMark Fire Strike, mẫu sản phẩm đến từ đội đỏ đã bỏ xa đối thủ của mình với mức khoảng cách lên đến 17.5% với mức điểm số lên đến 50,147 điểm, trong khi đó, ở phép thử dựng hình bằng DirectX12 3D Mark Time Spy, cả hai phiên bản card đồ hoạ thể hiện ra điểm số ngang ngửa nhau với mức điểm xấp xỉ 17,900 điểm.
Điều này cho thấy với những game dựng hình bằng phương pháp truyền thống, sản phẩm đại diện cho AMD sẽ đạt được tốc độ vượt trội so với đối thủ và cả hai sẽ “ngang sức” trên các tựa game dựng hình bằng DirectX12.
Tuy nhiên, ở phép thử dựng hình công nghệ Ray Tracing là 3D Mark Port Royal, ASUS TUF GAMING RX 6800 XT vẫn tụt lại phía sau đối thủ khi chỉ đạt 8,871 điểm, dù vượt qua cả mẫu card đồ hoạ “khủng nhất” của thế hệ Turing trước đó như NVIDIA RTX 2080 Ti, thế nhưng nếu so sánh với đối thủ trực tiếp ở thế hệ RTX 30 Series lần này thì mẫu card đồ hoạ đến từ AMD vẫn còn thua kém nhất định.
Tất nhiên, đối với các thử nghiệm game thực tế, điều này còn tuỳ thuộc vào khả năng tối ưu phần cứng của từng studio game riêng biệt có thể khai thác được tối đa khả năng của kiến trúc RDNA 2 hay không.
Về tổng thể, ASUS TUF GAMING RX 6800 XT là một mẫu card mạnh mẽ, đủ sức chinh phục hầu hết các game trên thị trường ở mức thiết lập cao nhất và độ phân giải 1080p với tốc độ trên 100fps.
Assasin’s Creed Odyssey vẫn là “miền đất dữ” cho các card đồ hoạ của “đội đỏ” khi đòi hỏi nhiều sức mạnh hơn từ phía CPU, thế nên khi thử nghiệm cùng mẫu vi xử lý Intel Core i7 8700, tựa game bị nghẽn cổ chai nặng. Bạn sẽ cần những vi xử lý “hạng nặng” như AMD Ryzen 9 5900x để có thể phát huy hết sức mạnh của mẫu card đồ hoạ hạng nặng này.
Những tựa game được phát triển với sự hỗ trợ của các kỹ sư đến từ AMD như DIRT 5, hay God Fall đều cho thấy ưu thế của AMD RX 6800 XT do các kỹ sư đồ hoạ đã phát huy rất tốt mẫu card đồ hoạ này hơn hẳn so với phiên bản đối thủ.
Tựa game độc quyền PS4 trong thời gian dài Horizon Zero Dawn có màn trình diễn khá tốt khi mức GPU FPS lên tới 163fps, vượt khá xa mức mà CPU có thể “tải” được tạo ra nút thắt nghẽn cổ chai vô cùng nặng ở tựa game này.
Sức mạnh của ASUS TUF GAMING RX 6800 XT hoàn toàn đủ để game thủ có thể thử sức các tựa game này ở độ phân giải 4K (2160p), từ đó, cũng giảm bớt hiện tượng nghẽn cổ chai do GPU hoạt động quá nhanh mà CPU không thể đáp ứng kịp.
Về tổng thể, mẫu card đồ hoạ đời mới đã đem đến cho AMD khả năng cạnh tranh “sòng phẳng” với đối thủ đến từ NVIDIA, cả về sức mạnh, lẫn phạm vi “chiến trường” khi cả hai đều có thể giúp người dùng trải nghiệm game ở độ phân giải 4K.
NHIỆT ĐỘ CAO!
Phải nói rằng rất nhiều mẫu card đồ hoạ sử dụng chip GPU của AMD gần đây đều có mức nhiệt tối đa nóng hơn khá nhiều các sản phẩm đến từ “đội xanh”.
Gần đây nhất, AMD RX 6700 XT có mức nhiệt “nhảy” lên tận 97 độ khi thử nghiệm cùng chương trình Fur mark nổi tiếng “bào card”.
Tuy được trang bị một tản nhiệt thuộc hàng “khủng long”, thế nhưng ASUS TUF GAMING RX 6800 XT vẫn hoạt động khá nóng với mức nhiệt tối đa lên đến 96 độ.
Mức nhiệt này dù chưa đạt tới “ngưỡng” cảnh báo của AMD, thế nhưng nếu so sánh với con số “mát mẻ” chỉ 72 độ C của phiên bản ASUS TUF RTX 3080 Gaming OC 10G thì bạn sẽ cảm thấy đôi chút khó chịu nếu quan tâm nhiều đến vấn đề này.
Điều an ủi là việc vận hành mẫu card đồ hoạ vẫn vô cùng suôn sẻ, không gặp phải bất kỳ hiện tượng giảm xung do quá nhiệt nào như phiên bản SAPPHIRE PULSE RX 5600 XT 6G trước đây, chủ yếu do các kỹ sư của ASUS đã thiết kế hệ thống tản nhiệt có độ bao phủ tốt, giải nhiệt cho cả các pha cấp điện và RAM đồ hoạ cùng lúc.
Nguồn: https://vietgame.asia